Xét nghiệm sinh hóa máu là một phương pháp xét nghiệm quan trọng trong sàng lọc và theo dõi quá trình điều trị bệnh. Dựa trên cơ sở phân tích các chỉ số xét nghiệm, bác sĩ sẽ có cơ sở để chẩn đoán chính xác bệnh và lập phác đồ điều trị phù hợp. Hãy cùng Hmed tìm hiểu xét nghiệm sinh hóa là gì và ý nghĩa kết quả xét nghiệm sinh hóa qua bài viết.
Xét nghiệm sinh hóa máu là gì?
Xét nghiệm sinh hóa là phương pháp xét nghiệm phổ biến, được chỉ định trong sàng lọc, đánh giá tiến triển và hiệu quả của phương pháp điều trị bệnh. Chỉ số xét nghiệm sẽ phản ánh bức tranh tổng quát về sức khỏe thông qua sự biến động thất thường về nồng độ hoặc hoạt động của các chất.
Bạn có thể thực hiện xét nghiệm sinh hóa tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín. Trong đó, trung tâm y khoa Hmed là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm sinh hóa hàng đầu. Trung tâm có hơn 2 năm kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại sẽ giúp khách hàng an tâm khi thực hiện xét nghiệm tại đây.
Khi nào bạn cần làm xét nghiệm sinh hóa máu?
Xét nghiệm sinh hóa máu có thể được chỉ định trong nhiều trường hợp, bao gồm:
- Khám sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, ngay cả khi bạn không có triệu chứng.
- Theo dõi bệnh mạn tính: Đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tiến triển của các bệnh như tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan…
- Đánh giá chức năng các cơ quan: Kiểm tra chức năng gan, thận, tim, và các cơ quan khác trước khi phẫu thuật hoặc sử dụng một số loại thuốc.
- Chẩn đoán bệnh: Hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý dựa trên sự thay đổi của các chỉ số sinh hóa.
Cách đọc kết quả xét nghiệm sinh hóa máu
Tùy và cơ sở y khoa, trang thiết bị, kết quả xét nghiệm sinh hóa có thể được thể hiện trên các chỉ số khác nhau. Dưới đây là ý nghĩa của 25 chỉ số xét nghiệm phổ biến giúp bạn hiểu hơn về các chỉ số trên phiếu xét nghiệm sinh hóa máu:
1. Creatinin máu
Chỉ số Creatinin bất thường phản ánh cơ thể gặp một số vấn đề sức khỏe. Nếu Creatinin tăng, một người có nguy cơ bị suy thận, cường giáp, tăng bạch cầu… Creatinin giảm thường gặp ở phụ nữ mang thai, người bị teo cơ, hoặc sử dụng thuốc chống động kinh. Tuy nhiên, giảm Creatinin không phải là dấu hiệu chẩn đoán chính xác cho các tình trạng này.
2. Ure máu
Chỉ số này phản ánh tình trạng sức khỏe của một người như thiểu niệu, suy thận, tắc nghẽn đường niệu… (nếu ure tăng) hoặc chế độ ăn nghèo protein, suy giảm chức năng gan, pha loãng máu tạm thời như truyền nhiều dịch… (nếu ure giảm).
3. Chỉ số HbA1C
HbA1c phản ánh mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng qua, không chỉ dùng để theo dõi điều trị mà còn để chẩn đoán tiểu đường.
4. Chỉ số glucose
Chỉ số glucose phản ánh hàm lượng đường tại thời điểm thực hiện xét nghiệm. Nếu glucose tăng, bạn có nguy cơ mắc cường giáp, bệnh gan, cường tuyến yên, giảm kali trong máu… Nếu glucose giảm cho thấy một người có thể đang bị hạ đường huyết do ăn kiêng, mắc bệnh suy giáp, bệnh gan, suy vỏ thượng thận… Cần lưu ý rằng tăng glucose máu không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với bệnh lý. Có thể do ăn uống trước khi xét nghiệm, stress, hoặc dùng một số loại thuốc.
5. Acid Uric
Nồng độ Acid Uric bình thường sẽ có sự chênh lệch nhất định theo từng giới tính và độ tuổi. Nếu Acid Uric cao hơn mức bình thường biểu hiện nguy cơ mắc bệnh Gout, suy thận, tăng bạch cầu đơn nhân, nhiễm trùng, ung thư… Nếu Acid Uric giảm, một người có thể mắc bệnh wilson, hội chứng Fanconi…
6. Chỉ số SGOT
Chỉ số SGOT biểu hiện những tổn thương có thể xảy ra ở gan, tim. Nồng độ SGOT trên ngưỡng bình thường cho thấy bạn có thể đang mắc viêm gan do rượu, nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tan máu, viêm cơ… SGOT giảm dưới ngưỡng bình thường ở người mang thai hoặc mắc bệnh tiểu đường.
7. Chỉ số GGT
Chỉ số này tăng cao ở người nghiện rượu, người mắc bệnh viêm gan do rượu, xơ gan, tắc mật… GGT tăng nhẹ ở người viêm tụy, sử dụng một số thuốc làm ảnh hưởng đến nồng độ GGT, người béo phì…
8. Chỉ số SGPT
Kết quả SGPT phản ánh nguy cơ mắc viêm gan, xơ gan. Chỉ số này còn có liên hệ mật thiết với SGOT. Nếu SGPT > SGOT, bạn có thể mắc bệnh gan do rượu, ứ mật, viêm gan tự miễn, tổn thương cơ, đột quỵ do thiếu máu cấp… Nếu SGPT < SGOT, bạn có thể mắc viêm gan do virus, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc viêm gan nhiễm mỡ không do rượu…
9. Chỉ số ALP
ALP là một trong những chỉ số quan trọng của xét nghiệm sinh hóa máu. Khi nồng độ ALP tăng cao, một người có thể bị tắc mật, ung thư lan tỏa; ALP tăng nhẹ, nguy cơ mắc viêm xương, nhuyễn xương, ung thư xương, còi xương, viêm gan thứ phát… ALP giảm phản ánh tình trạng suy cận giáp, thiếu vitamin C, thiếu máu ác tính…
10. Chỉ số Bilirubin
Nồng độ Bilirubin trong máu tăng dẫn đến tình trạng vàng da, cho thấy nguy cơ gặp các vấn đề liên quan đến chức năng gan, mắc viêm gan cấp, tan máu, ung thư đầu tụy…
11. Chỉ số Albumin
So với ngường bình thường, nếu Albumin tăng, bệnh nhân đang bị mất nước, sốc… nếu Albumin giảm, bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, viêm cầu thận, đa u tủy, thận hư…
12. Chỉ số Protein toàn phần
Chỉ số Protein sẽ phản ánh tình trạng sức khỏe của một người. Nếu chỉ số này giảm, bạn có thể đang mắc xơ gan, thận hư nhiễm mỡ, suy dinh dưỡng… Nếu chỉ số này tăng, bạn có thể bị đa u tủy, thiểu năng vỏ thượng thận, bệnh Waldenstrom…
13. Chỉ số B2M (beta-2 microglobulin)
Xét nghiệm máu định lượng B2M giúp phân loại, tiên lượng và đánh giá hiệu quả điều trị u lympho, đa u tủy. Nếu chỉ số B2M tăng, bạn có thể mắc bệnh ác tính, suy giảm chức năng thận…
14. Chỉ số A/G
Chỉ số A/G đánh giá sự biến động của Albumin và Globulin. Nếu Albumin giảm, một người đang bị thiếu dinh dưỡng, bệnh gan, bệnh thận hoặc viêm nhiễm mạn tính . Nếu Globulin tăng, bệnh nhân có nguy cơ cao đã bị nhiễm khuẩn, đa u tủy xương. Nếu đồng thời xuất hiện hay tình trạng trên, một người có thể mắc viêm thận cấp, xơ gan, đau tủy xương…
15. Chỉ số Triglycerid
Chỉ số mỡ máu Triglycerid tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Chỉ số Triglycerid tăng, bạn có nguy cơ rối loạn lipid máu, mắc bệnh tiểu đường, béo phì, hội chứng chuyển hóa… Chỉ số Triglycerid giảm, bạn có thể mắc cường giáp, xơ gan, hội chứng kém hấp thu…
16. Cholesterol toàn phần
Cholesterol toàn phần phản ánh tình trạng mỡ máu của một người. Nếu Cholesterol toàn phần giảm, một người đang bị suy kiệt, hấp thu kém hoặc bị ung thư. Nếu Cholesterol toàn phần tăng, bạn có thể bị rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, vàng da tắc mật ngoài gan, vảy nến…
17. Chỉ số LDL-C
LDL-C phản ánh nguy cơ xơ vữa động mạch, chỉ số này càng tăng, nguy cơ xơ vữa càng cao. Bên cạnh đó, chỉ số LDL-C tăng còn phản ánh tình trạng béo phì, rối loạn lipid máu. Nếu LDL-C giảm, một người mắc xơ gan, hội chứng kém hấp thu, cường giáp…
18. Chỉ số HDL-C
Tương tự LDL-C, chỉ số HDL-C cũng phản ánh nguy cơ xơ vữa động mạch. HDL-C cao giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, trong khi HDL-C thấp tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
19. Chỉ số canxi toàn phần
Chỉ số canxi toàn phần trong xét nghiệm sinh hóa máu sẽ phản ánh tình trạng sức khỏe và nguy cơ mắc một số bệnh liên quan đến dư thừa hay thiếu hụt canxi. Nếu chỉ số tăng hơn ngưỡng bình thường, bệnh nhân có thể bị loãng xương, cường phó giáp, đa u tủy… Nếu canxi toàn phần giảm cho thấy khả năng mắc bệnh còi xương, suy thận, hội chứng thận hư, viêm tụy cấp cao…
20.Sắt trong máu
Chỉ số sắt cũng là một phần quan trọng trong kết quả xét nghiệm sinh hóa. Nếu chỉ số sắt tăng, có thể do bệnh thừa sắt, viêm gan, hoặc truyền máu nhiều lần hoặc xơ tủy, suy tủy, rối loạn sinh tủy, xơ gan… Nếu chỉ số này giảm, bạn có thể đã bị thiếu máu do thiếu sắt, giảm hấp thu sắt, viêm nhiễm mãn tính…
21. Ca++ máu
Chỉ số Ca++ máu tăng cho thấy một người có thể mắc chứng loãng xương, đa u tủy, viêm phổi, cường cận giáp… Nếu chỉ số này giảm, bạn có thể bị suy thận, thiểu năng cận giáp, còi xương, bệnh giảm Albumin máu…
22. Chỉ số Amylase
Amylase là nhóm các enzyme được sản xuất bởi tuyến tụy, tuyến nước bọt niêm mạc ruột non, buồng trứng và vòi trứng. Kết quả xét nghiệm chỉ số Amylase phản ánh nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến tụy, tuyến nước bọt, gan… Amylase tăng khi cơ thể mắc viêm tụy cấp, quai bị, ung thư tụy, tắc ruột cấp… Giảm amylase có thể gặp trong các trường hợp như tổn thương tuyến tụy nặng hoặc bệnh lý gan.
23. Transferrin (Tf)
Transferrin được tổng hợp tại gan và được điều hoà nhờ nhu cầu sắt của cơ thể. Nếu Tf tăng khi một người bị quá tải sắt, bệnh nhiễm sắc tố sắt, tan máu… Nếu Tf giảm, một người có thể bị rối loạn phân bố sắt, thiếu sắt.
24. Chỉ số LDH
LDH (Lactate Dehydrogenase) là một enzyme oxi hóa khử, góp phần vào phản ứng pyruvate tạo thành lactat. Khi nồng độ LDH trong máu cao, bạn có đang gặp các tổn thương như viêm đa cơ, nhồi máu cơ tim, viêm gan nhiễm độc, viêm gan rượu, thiếu máu do tan máu…
25 Chỉ số CK
CK là một loại men tập trung chủ yếu ở tim và cơ xương. Sự biến đổi bất thường của CK phản ánh tình trạng bệnh lý liên quan đến cơ xương và tim. CK tăng khi mắc viêm cơ tim, viêm cơ, chấn thương cơ, nhồi máu cơ tim… Khi mắc chứng teo cơ, chỉ số CK sẽ giảm.
Kết luận
Xét nghiệm sinh hóa máu phản ánh chi tiết các chỉ số sức khỏe của cơ thể. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có đủ cơ sở y khoa để đưa ra kết luận sau cùng. Bên cạnh hỗ trợ sàng lọc, xét nghiệm còn được chỉ định nhằm theo dõi tiến triển và hiệu quả điều trị.